Hướng dẫn tự build PC chơi game, tưởng không dễ mà dễ không tưởng
Bạn muốn trải nghiệm được những tựa game đỉnh cao nhưng lại bị “gò bó” trong cấu hình hạn hẹp của một chiếc laptop, hãy tự build cho mình dàn PC đủ mạnh để thỏa mãn niềm đam mê chơi game của mình. Tuy vậy để có thể xây dựng một bộ máy tính chất lượng cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu về điều kiện tài chính cũng như khả năng tương thích giữa các linh kiện.
Trong bài viết này, Jetek sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách lắp ráp một bộ PC hiệu năng cao với chi phí tối ưu nhất, giúp bạn có trải nghiệm tuyệt vời, thỏa sức chinh phục những tựa game đình đám hàng đầu hiện nay.
Việc xây dựng một dàn máy tính chơi game tiềm ẩn khá nhiều rủi ro về tiền bạc cũng như cần sự kiên nhẫn của người lắp ráp. Bạn cần lựa chọn các linh kiện phù hợp với cấu hình mà mình muốn, kiểm tra tính tương thích giữa các thành phần, xem chúng có bị xung đột hay không, quá trình này sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian của bạn. Để đảm bảo lắp ráp máy tính mới một cách an toàn nhất, bạn nên chọn mua các linh kiện được sản xuất bởi các hãng uy tín, có chế độ bảo hành tốt, đồng thời tìm hiểu về thông tin linh kiện, đọc kỹ các tài liệu hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi lắp đặt.
Lựa chọn phần cứng cho chiếc PC của bạn
Các thành phần trong chiếc PC chơi game bao gồm bộ vi xử lý, card đồ họa, bộ nhớ RAM, bo mạch chủ, ổ cứng (SSD), nguồn và case,… Tất cả những linh kiện này đều có sẵn tại các cửa hàng máy tính, cung cấp cấu hình phần mềm, cài đặt dễ dàng. Bạn có thể tự lắp ráp thông qua những video từ các game thủ hay các tài liệu hướng dẫn trên các trang web công nghệ hàng đầu. Lưu ý, khi bạn tham khảo các thông tin trên, hãy đảm bảo rằng bạn đang xem hoặc đọc nội dung mới nhất, ít nhất trong vòng ba năm trở lại đây, bởi các phần cứng và thiết bị ngoại vi luôn được cải tiến theo thời gian.
Dưới đây là danh sách các linh kiện phần cứng chính bạn sẽ cần để xây dựng một bộ PC chơi game:
– CPU / Bộ xử lý
– Bo mạch chủ
– Bộ nhớ (RAM)
– Bộ tăng tốc bộ nhớ Intel® Optane ™ (tùy chọn)
– Card đồ họa (GPU)
– Ổ cứng lưu trữ SSD hoặc HDD
– Bộ cấp nguồn (PSU)
– Hệ thống tản nhiệt
– Case bảo vệ
– Thiết bị ngoại vi chơi game (bàn phím, chuột, tai nghe)
– Màn hình PC
Chi phí và khả năng nâng cấp PC chơi game của bạn
Thiết kế, hiệu suất của chiếc PC chơi game phụ thuộc chủ yếu vào chi phí và sở thích cá nhân của người dùng. Trên thực tế, ngân sách của bạn chính là yếu tố quyết định hàng đầu khi build một chiếc máy tính. Việc tự xây dựng một dàn PC cho riêng mình có thể giúp bạn tiết kiệm một khoản chi phí so với khi mua một bộ máy tính có sẵn, bạn có thể tìm đến những cửa hàng, đại lý hoặc những website bán phần cứng máy tính uy tín để có thể mua linh kiện với mức giá tốt nhất. Ngoài ra, bạn có thể kiểm soát tất cả các bộ phận của nhà sản xuất khi lắp ráp vào hệ thống PC của bạn.
Khi đã tối ưu được ngân sách build PC, bạn có thể nâng cấp những phần cứng quan trọng như CPU, GPU, PSU,… với hiệu suất cao hơn để cải thiện hiệu năng tổng thể, giúp máy xử lý mọi tác vụ tốt và ổn định hơn trong một khoảng thời gian dài.
Các thành phần phần cứng
Trước khi bắt đầu build PC, bạn có thể tìm hiểu qua thông tin của từng phần cứng cũng như cách cài đặt phần mềm tốt nhất cho nhu cầu chơi game. Ngoài ra, bạn nên tham khảo cách build PC của những người dùng đi trước thông qua những video được họ chia sẻ trực tuyến trên YouTube hoặc các tài liệu hướng dẫn trên trang web của nhà sản xuất để đảm bảo các phần cứng mà mình chọn tương thích và hoạt động tốt với nhau.
Bộ xử lý trung tâm (CPU)
Đầu tiên hãy bắt đầu với bộ não của máy tính – CPU. Các bạn đã từng nghe rất nhiều về tốc độ xung nhịp, số lượng nhân, luồng xử lý, megahertz hay gigahertz, đây đều là những thông số liên quan đến CPU. Tốc độ xung nhịp cao hơn cho phép bộ vi xử lý thực hiện nhiều phép tính hơn trong một khoảng thời gian nhất định. Hầu hết các CPU hiện nay đều có nhiều nhân và luồng xử lý. Việc trang bị nhiều lõi hơn đồng nghĩa với khả năng thực hiện đồng thời nhiều tác vụ hay còn gọi là Megatasking cho phép bạn có thể chơi game + phát trực tiếp + ghi lại tất cả cùng một lúc.
Bo mạch chủ
Nếu CPU được xem là bộ não, thì bo mạch chủ có thể được ví như hệ thần kinh. Khi CPU xử lý chương trình, cung cấp dữ liệu đầu vào, bo mạch chủ sẽ chịu trách nhiệm kết nối và truyền tải những thông tin này tất cả các thành phần quan trọng khác trong PC bao gồm card đồ họa, bộ nhớ, ổ cứng, ổ đĩa quang,… để đảm bảo nhiệm vụ của CPU được hoàn thành.
Lưu ý: Việc lựa chọn bộ xử lý trung tâm và bo mạch chủ nên được thực hiện song song, vì có các yêu cầu về tính tương thích giữa 2 phần cứng này. Bạn có thể sử dụng công cụ Intel® Desktop Compatibility Tool để kiểm tra khả năng tương thích của bo mạch chủ với máy tính sử dụng chip Intel. Tại đây bạn sẽ tìm bộ xử lý Intel® mà bạn đang sở hữu (hoặc chuẩn bị mua) cùng danh sách các bo mạch chủ phù hợp.
Card đồ họa
Có hai loại card đồ họa đang được sử dụng trên máy tính bao gồm card được tích hợp (onboard) và card VGA rời.
Trong đó, “card đồ họa rời” (card đồ họa được sản xuất bởi Nvidia hoặc AMD) là thành phần quan trọng mà bất kỳ game thủ cũng đều phải trang bị nếu muốn trải nghiệm các tựa game đỉnh cao. Card đồ họa rời bao gồm bộ xử lý đồ họa tích hợp (GPU), có nhiệm vụ xử lý tín hiệu video, thực hiện các phép tính phức tạp để chuyển đổi dữ liệu nhị phân thành đồ họa được hiển thị trên màn hình mà bạn thấy trong trò chơi.
Khi lựa chọn GPU, yếu tố để đánh giá hiệu suất của nó chính là tốc độ khung hình. Tốc độ khung hình cho bạn biết được tốc độ hình ảnh được làm tươi trên màn hình nhanh như thế nào để tạo ra chuyển động và chất lượng đồ họa tổng thể. Tốc độ khung hình được đo bằng số khung hình trên mỗi giây (FPS). FPS càng cao, trải nghiệm chơi trò chơi của bạn càng tốt. Thông thường, nếu tốc độ khung hình thấp hơn 60 fps sẽ xảy ra hiện tượng giật lag khiến các game thủ khó chịu khi chơi game. Còn nếu tốc độ đạt từ 90 fps trở lên thì bạn đã có thể chơi các tựa game thực tế ảo rồi đấy!
Bạn có thể dựa trên tốc độ FPS để đánh giá một card đồ họa tốt hay không, dĩ nhiên nó còn phải phụ thuộc vào các phần cứng khác bao gồm bo mạch chủ, đơn vị cung cấp điện (PSU), RAM hay CPU. Ngoài ra, bạn nên tham khảo thêm đánh giá hiệu năng từ các trang web công nghệ của card đồ họa để có thêm những thông tin hữu ích giúp bạn lựa chọn card đồ họa phù hợp nhất.
Bộ nhớ RAM
RAM hay còn gọi là bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên, có nhiệm vụ giúp bạn truy cập vào các phần mềm, tựa game PC một cách nhanh chóng, hỗ trợ chạy đa tác vụ cùng một lúc mà không bị trễ. Chính vì thế, bạn cần phải đảm bảo cho hệ thống của mình có đủ dung lượng RAM để có thể truy cập vào bất kỳ phần mềm nào. Hiện tại, với dung lượng 8 GB RAM là đã có thể đáp ứng tốt để bạn thực hiện các tác vụ đa nhiệm thông thường, tuy nhiên nếu muốn trải nghiệm những tựa game hàng đầu, bạn cần trang bị RAM có dung lượng tối thiểu từ 16 GB trở lên cho chiếc máy tính của mình. Tùy thuộc vào cấu hình bo mạch chủ trên PC của bạn, các hệ thống thường hỗ trợ tối đa 128 GB.
Hệ điều hành (OS)
Khi bạn build một bộ PC chơi game của riêng mình, bạn có thể tự lựa chọn hệ điều hành tương thích tốt nhất với những chương trình và ứng dụng bạn thường xuyên sử dụng. Một số hệ điều hành phổ biến hiện nay bao gồm Windows 10, Linux và Mac OS,…
Ổ cứng lưu trữ SSD hoặc HDD
Một thành phần không thể thiếu khác khi build PC đó chính là ổ cứng lưu trữ. Hiện tại, có 2 loại ổ cứng chính là SSD và HDD. Thông thường, một máy tính chơi game hiệu suất cao được trang bị ổ cứng SSD để tăng tốc độ load trò chơi nhanh hơn và cho thời gian phản hồi gần như ngay lập tức. SSD hiện nay có hai giao thức dưới dạng SATA hoặc NVMe. SATA là một giao thức cũ hơn với hiệu năng ổn định, trong khi đó NVMe mới hơn và sử dụng các cổng giao tiếp PCI Express để tăng băng thông. NVMe cũng có độ trễ thấp hơn SATA có nghĩa là nó có thời gian đáp ứng nhanh hơn.
Một cấu hình phổ biến hiện nay được rất nhiều người dùng trang bị trên PC đó chính là sử dụng một ổ cứng SSD dung lượng thấp cùng với một ổ cứng HDD. Sự kết hợp này giúp bạn vừa có được thời gian tải ứng dụng nhanh, hiệu suất cao, vừa đảm bảo được dung lượng lưu trữ, giúp tối ưu chi phí hiệu quả.
Bộ nguồn điện (PSU)
Bất kỳ game thủ chuyên nghiệp nào cũng đều rất chú trọng đến việc cung cấp nguồn điện, một nguồn năng lượng ổn định giúp máy tính hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế các lỗi về phần cứng. Do đó, nếu bạn đang muốn mua PSU giá rẻ để tiết kiệm chi phí thì đó chắc chắn không phải là một ý tưởng tốt. Hãy quan tâm đến chất lượng của PSU, đảm bảo nó có thể cung cấp nguồn điện đáp ứng tốt cho tất cả các thành phần trong hệ thống máy tính của bạn. Lựa chọn bộ nguồn PSU từ một thương hiệu đáng tin cậy (Cooler Master, Corsair, Jetek, Seasonic) với chế độ bảo hành tuyệt vời sẽ giúp cho phần cứng máy tính của bạn hoạt động ổn định và an toàn hơn.
Hệ thống tản nhiệt
Bất kỳ PC hay máy tính chơi game cao cấp nào khi thực hiện các tác vụ nặng cũng sẽ tạo ra rất nhiều nhiệt. Một số CPU trang bị đi kèm với quạt tản nhiệt nhưng một số lại không có. Do đó, bạn cần phải trang bị hệ thống làm mát bên thứ ba. Thông thường, các card đồ họa đều được tích hợp thêm quạt tản nhiệt riêng để làm giảm nhiệt độ trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, các bộ case PC hiện nay thường được trang bị sẵn quạt tản nhiệt. Hệ thống làm mát này có thể đáp ứng tốt đối với máy tính thông thường, tuy nhiên nếu bạn quan tâm đến việc ép xung CPU, muốn được trải nghiệm các tựa game đỉnh cao, bạn sẽ phải cần đến một hệ thống làm mát chuyên nghiệp hơn.
Có hai loại hệ thống làm mát được nhiều người sử dụng hiện nay là tản nhiệt khí và tản nhiệt chất lỏng. Hệ thống làm mát không khí có ưu điểm tiết kiệm chi phí hơn và dễ dàng lắp đặt, trong khi đó hệ thống làm mát bằng chất lỏng tản nhiệt tốt hơn nhưng lại có mức giá đắt cũng như quá trình lắp ráp phức tạp hơn. Ngoài ra, bạn cần kiểm tra CPU và kích thước của case phù hợp với loại tản nhiệt nào.
Case bảo vệ
Lựa chọn case bảo vệ cũng là một quyết định quan trọng vì chúng có nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau để bạn có thể tự cá nhân hóa theo sở thích quan trọng của mình. Có nhiều điều cần lưu ý khi bạn chọn mua case máy tính. Đầu tiên, hãy kiểm tra các phần cứng mà bạn chuẩn bị lắp đặt, xem chúng có phù hợp với case hay không? Có không gian bổ sung thêm nhiều ổ cứng hơn không? Case có chứa được thêm hệ thống làm mát hay quạt tản nhiệt không? Khả năng quản lý hệ thống dây cáp? Bạn sẽ cần phải xem xét những điều này khi bạn chọn case máy tính cho mình đồng thời kiểm tra nó có tương thích với bo mạch chủ hay không.
Gaming Gear
Sở thích cá nhân là yếu tố chính cần xem xét khi mua sắm gaming gear. Chính vì lý do này, mình khuyên bạn nên trực tiếp tới cửa hàng máy tính gần nhất để kiểm tra trước khi quyết định mua. Gaming gear bao gồm tai nghe, bàn phím, chuột,… đối với những bạn muốn tạo sự nổi bật cho chiếc PC của mình sẽ bổ sung các tính năng như thêm phím bấm chuyên dụng, tùy chỉnh bằng phần mềm và hệ thống đèn nền backlit đầy màu sắc.
Lắp ráp hoàn chỉnh
Khi bạn có tất cả các thành phần cho một chiếc PC chơi game, đã đến lúc lắp ráp chúng hoàn chỉnh. Cách bạn lắp ráp các phần cứng này và theo thứ tự nào tùy thuộc vào bạn. Nếu bạn đã dành đủ thời gian để nghiên cứu các phần cứng PC cũng như khả năng tương thích của chúng, bạn sẽ lắp ráp PC chơi game của mình dễ dàng hơn.