News

  • Home
  • Nói về HTR
  • Báo Thừa Thiên – Huế: Nano và những vụ tôm lãi bạc tỉ

Báo Thừa Thiên – Huế: Nano và những vụ tôm lãi bạc tỉ

TTH – Trong khi dịch bệnh ở tôm hoành hành khiến nhiều người nuôi đổ nợ thì mới đây, công ty cổ phần Huetronics đã nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ nano trong nuôi tôm, đem lại những vụ tôm bạc tỉ ngay vùng tâm dịch.

Thành quả bước đầu

Một ngày đầu tháng 10, tôi đến trại nuôi tôm thực nghiệm của Công ty cổ phần (CP) Huetronics ở Triệu Phong (Quảng Trị) để tận mắt “mục sở thị” vụ tôm đầu tiên của Công ty bằng công nghệ nano. Dọc hai bên đường dẫn ra vùng nuôi tôm, cứ một đoạn lại có hồ tôm nhưng là hồ tôm bỏ hoang. Từ sau Tết Nguyên đán, khu vực Triệu Phong tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt khiến nhiều chủ hồ mất trắng. Ấy vậy mà Công ty Huetronics lại đi thuê một hồ tôm ở đây để thử nghiệm công nghệ nano! Điều này khiến không ít người dân trong vùng vừa ngạc nhiên, vừa hoài nghi.

Tôm sạch bệnh, con nào con nấy đều răm rắp

Hai tháng sau. Những mẻ tôm sạch bệnh, con nào con nấy đều răm rắp được kéo lên. Vùng nuôi tôm vốn trầm lắng sau một thời gian dài bỗng sôi động bởi những chiếc xe tải ở Hà Nội về thu mua. Mặt đỏ gay vì nắng, anh Bùi Diễn, Trưởng trại nuôi tôm thực nghiệm của công ty cho biết: “Công ty thuê 3 hồ để nuôi tôm thẻ chân trắng, 1 hồ rộng 3.000m2. Qua thử nghiệm tôm phát triển rất tốt, tỉ lệ sống 90%, mỗi hồ thu hoạch 4-5 tấn, trung bình một cân khoảng 80 con, giá bán hơn 100.000 đồng/kg”. Tôi nhẩm tính, cả 3 hồ thu được chừng 1,5 tỷ đồng chưa trừ chi phí đầu tư. Vụ nuôi thí điểm đầu tiên của Công ty như vậy là thắng lớn! “Từ sau Tết đến giờ toàn khu vực Triệu Phong tôm chết hết. Thấy Công ty nuôi tôm hiệu quả, nhiều người dân trong vùng vô hỏi kỹ thuật nuôi để tiếp tục đầu tư và một vài hộ đã bắt đầu nuôi lại”, anh Diễn phấn khởi.

Gánh tôm ra xe để vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ

Trước đó, mô hình nuôi tôm bằng công nghệ nano của Công ty đã được áp dụng thành công ở những vùng tâm dịch tại ba tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng. Đó là trường hợp anh Ngô Kiện Toàn ở Cà Mau với diện tích nuôi 4ha, sau 2 tháng thu hoạch được 23 tấn, lãi trên 600 triệu đồng. Anh Hồ Văn Hưởng ở xã Định Trung (Bình Đại, Bến Tre) trúng liên tiếp 3 vụ. Anh Lê Quốc Hưng ở ấp Đại Trị, phường Vĩnh Phước (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cũng thành công nhờ áp dụng công nghệ nano. Mô hình đang tiếp tục được áp dụng ở Sóc Trăng và Quảng Trị.

Xe về thu mua tôm ngay tại hồ

Thân thiện với môi trường

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Huetronics cho hay: “Để có được thành công này, cách đây 3 năm, Công ty đã mất rất nhiều công sức nghiên cứu. Bỏ nhiều thời gian tìm hiểu dịch bệnh trên tôm, nhóm nghiên cứu đã xác định được nguyên nhân chính, bên cạnh tôm giống chất lượng kém là do môi trường ô nhiễm vì dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chứa mầm bệnh chưa được xử lý và các độc tố khác như tảo… Ngoài ra, kim loại nặng, thuốc trừ sâu quá nhiều cũng khiến tôm chết. Tuy nhiên người nuôi tôm chỉ nghĩ nguyên nhân là do khuẩn hoặc vi rút chứ không nghĩ đến yếu tố độc tố môi trường”, ông Sơn nói. Từ những phát hiện này, Công ty bắt tay nghiên cứu các giải pháp và sản phẩm nano để quản lý môi trường, đã ra đời bộ 3 giải pháp: Giải pháp về nano bạc (colpa nano feed) để nâng sức đề kháng cho tôm và khử độc môi trường nước; Giải pháp dùng hỗn hợp than hoạt tính nano và nano sắt (colpa carbon), và giải pháp dùng nano TiO2 kết hợp H2O2 với mục đích làm sạch nước, diệt khuẩn và diệt tảo. Đây đều là những sản phẩm có tính năng ưu việt, rất thân thiện môi trường và không độc hại đối với tôm và người sử dụng. “Chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian, công sức, ông Sơn chia sẻ. Sản phẩm đưa ra ban đầu không thành công, phải điều chỉnh, nghiên cứu, cải tiến đi cải tiến lại rất nhiều lần. Giờ thì đã hoàn toàn tự tin để đưa ra thị trường”.

Một kế hoạch táo bạo

“Trong khi tình trạng nuôi tôm thất bại đang diễn ra trên cả nước thì việc Công ty CP Huetronics làm điểm nào thắng điểm đó đã tạo niềm tin cho dân. Sự bắt tay giữa doanh nghiệp với nhà khoa học chính là con đường nhanh nhất để đưa ra những sản phẩm có ích cho xã hội”, TS.Trương Văn Chương, Khoa Vật lý, Trường đại học Khoa học – Đại học Huế, một chuyên gia của Công ty CP Huetronics nói. Cũng theo TS.Chương, “rất may là Công ty đã thấy được tiềm năng ứng dụng của những sản phẩm nano và mạnh dạn “nhảy” vào làm quyết liệt. Thuê hồ nuôi tôm ở Quảng Trị mới chỉ mang tính chất mô hình thực nghiệm. Hiện Huetronics đang hướng tới một kế hoạch táo bạo hơn, đó là tìm kiếm vị trí xây dựng một trung tâm thực nghiệm để nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới về nuôi trồng thủy sản, trong đó chú trọng nuôi tôm và nuôi những loại tảo có lợi. “Chúng tôi sẽ lấy nước thải nuôi tôm để nuôi tảo. Tảo sẽ xử lý nước để lấy nước nuôi tôm, tạo thành mô hình khép kín. Công ty đang kết hợp với một số tiến sĩ ở khoa Sinh, Trường đại học Khoa học Huế để làm mô hình này. Chúng tôi cũng đang làm việc với một số nhà sản xuất tôm giống, thức ăn và thu mua chế biến để bảo đảm quy trình khép kín”, ông Sơn hào hứng nói về kế hoạch dài hơi của mình. Bên cạnh đó, mục tiêu tự động hóa tất cả các khâu từ giám sát các thông số môi trường như nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, oxy hòa tan… (ngay cả khi mất điện) cũng là một mục tiêu nữa mà Công ty hướng đến.

Sau 2-3 vụ thực nghiệm nữa, Huetronics sẽ đăng ký giấy phép lưu hành sản phẩm và tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm công nghệ nano ứng dụng trong nuôi tôm. Trong khi hàng thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam bị trả lại khá nhiều vì dư lượng thuốc kháng sinh vượt quá mức cho phép, việc Công ty CP Huetronics nghiên cứu và áp dụng thành công công nghệ nano để sản xuất ra những lứa tôm sạch là một tin vui đối với người nuôi tôm không chỉ ở tỉnh nhà.

Link

Leave a Comment

'